Biến Chứng Của Bệnh Tiểu Đường: Những người bệnh tiểu đường có nguy cơ cao phát triển một số vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng. Mức đường huyết trong máu cao lâu dài có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và răng. Ngoài ra, những người đái tháo đường cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Ở hầu hết các quốc gia có thu nhập cao, bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi dưới.
Người lớn đái tháo đường có nguy cơ tăng gấp 2 đến 3 nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Bệnh võng mạc tiểu đường là một nguyên nhân quan trọng gây mù do sự tích tụ lâu dài của các mạch máu nhỏ trong võng mạc. 2,6% bệnh mù toàn cầu có thể là do đái tháo đường. Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận.
Duy trì mức đường máu, huyết áp và cholesterol bình thường hoặc gần bình thường có thể giúp trì hoãn hoặc ngăn ngừa các biến chứng của đái tháo đường. Do đó những người mắc đái tháo đường cần được theo dõi thường xuyên.
Biến Chứng Của Bệnh Tiểu Đường:
Biến Chứng Mãn Tính:
Biến chứng mãn tính do tiểu đường xảy ra như một phần tất yếu trong quá trình phát triển của bệnh, đặc biệt ở những người không kiểm soát tốt đường huyết. Cơ thể bị rối loạn chuyển hóa chất đường, chất đạm và chất béo, từ đó làm suy giảm chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể.
Biến chứng ở mắt:
Đường huyết cao khiến cho hệ thống mao mạch ở đáy mắt bị tổn thương. Dần dần, thị lực của người mắc đái tháo đường sẽ bị suy giảm hoặc tệ hơn, có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài biến chứng gây tổn thương võng mạc, bệnh đái tháo đường còn gây ra bệnh glaucoma hay còn gọi là tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.
Biến chứng thận:
Đường trong máu cao gây tổn thương đến vi mạch máu trong thận, từ đó làm suy giảm chức năng lọc của thận, thậm chí suy thận. Điều trị đái tháo đường ngoài tác dụng kiểm soát đường huyết còn nhằm mục đích làm chậm tiến triển của suy thận.
Nếu người bệnh đái tháo đường có kèm theo bệnh tăng huyết áp thì cần phải phối hợp thật tốt trong việc điều trị huyết áp và đái tháo đường vì có một số thuốc điều trị tăng huyết áp có tác dụng làm giảm sự tiến triển của bệnh thận do đái tháo đường.
Biến chứng tim mạch:
Bệnh tim mạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở người đái tháo đường. Huyết áp cao, cholesterol cao, glucose máu cao và các yếu tố nguy cơ khác góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
Bệnh đái tháo đường làm gia tăng nguy cơ tai biến mạch máu não 1,5 – 2 lần, gia tăng nguy cơ bệnh mạch vành từ 2 – 4 lần và tăng nguy cơ viêm tắc động mạch chi dưới 5 – 10 lần.
Biến chứng thần kinh:
Đây là biến chứng xuất hiện sớm nhất và thường xuyên của bệnh đái tháo đường, bao gồm các cảm giác đau, tê, nóng ở chân, nhịp tim và nhịp thở bất ổn định, hay tiết mồ hôi… Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn cương dương, và nhiều chức năng khác.
Ngoài ra, bệnh đái tháo đường gần như là một lời “tiên đoán” cho bệnh sa sút trí tuệ, với sự hiện diện của gene APOE4. Thậm chí, các vấn đề về giảm sự chú ý và trí nhớ có thể xảy ra ngay cả ở những người bệnh tiểu đường dưới 50 tuổi.
Biến Chứng Cấp Tính:
Biến chứng hạ đường huyết:
Hạ đường huyết xảy ra khi nồng độ đường huyết trong máu dưới 3,6mmol/l và hầu hết bệnh nhân đái tháo đường đều bị hạ đường huyết. Kết quả là người bệnh có thể gặp các dấu hiệu như vã mồ hôi, mệt mỏi, nhịp tim tăng, đói cồn cào, bủn rủn chân tay, choáng… nặng hơn có thể lên cơn co giật và dần mất ý thức.
Biến chứng nhiễm toan ceton và hôn mê do nhiễm toan ceton:
Nhiễm toan ceton là tình trạng nhiễm toan do tăng sản xuất và tích tụ các thể ceton trong máu xảy ra khi có thiếu insulin tương đối hoặc tuyệt đối, đi kèm theo tăng đường máu và mất nước. Nhiễm toan ceton nặng dẫn đến hôn mê nhiễm toan ceton. Nhiễm toan ceton chủ yếu gặp ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 hơn là đái tháo đường type 2.
Biến chứng tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu:
Tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu là tình trạng tăng áp lực thẩm thấu xảy ra do tăng đường máu rất cao kèm theo tình trạng mất nước nặng, không có nhiễm toan ceton hoặc nhiễm toan ceton rất nhẹ. Tăng áp lực thẩm thấu nặng dẫn đến hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu.
Tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu thường xảy ra nhiều hơn ở đái tháo đường type 2 so với type 1 với nồng độ đường huyết có thể lên đến hơn 40mmol/l (720mg/dL). Tình trạng này làm cho lượng nước bị thiếu hụt trầm trọng, từ đó làm gia tăng áp lực thẩm thấu trong máu có thể kèm theo nhiễm toan ceton hoặc là không.
Các triệu chứng của bệnh cũng rất nghiêm trọng và đa dạng, có thể diễn tiến chậm dần với các biểu hiện không rõ ràng giống các dấu hiệu khi xuất hiện bệnh tiểu đường, như sút cân nhanh, đái nhiều… Khi bệnh tiến triển ngày một nặng dần các triệu chứng sẽ trở nên “rầm rộ” hơn, bao gồm mắt lờ đờ, ngủ gà, yếu chi, co giật… nếu nặng có thể dẫn tới hôn mê.
Cách Phòng Ngừa Biến Chứng Tiểu Đường Hiệu Quả:
Tuân thủ sử dụng thuốc điều trị: Tất cả người bệnh đái tháo đường cần dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ, đảm bảo đúng về liều lượng và thời gian.
Chế độ ăn có kiểm soát: Người bệnh tiểu đường nên ăn giảm tinh bột, đường có trong gạo trắng, lúa mì, khoai tây, các loại đường mía, đường sữa… Ăn hạn chế muối, chất béo xấu (mỡ động vật, chất béo trong thực phẩm chế biến sẵn), chất đạm từ các loại thịt đỏ, trứng, sữa. Ưu tiên thực phẩm có nhiều chất xơ hòa tan (các loại rau củ có độ nhớt khi chế biến), sử dụng dưới dạng hấp, luộc thay vì chiên, rán nhiều lần. Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, xen lẫn các bữa phụ là hoa quả không làm tăng đường huyết như xoài, bưởi, cam, thanh long, dâu tây…
Tăng cường luyện tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên đã được chứng minh có khả năng làm giảm đường huyết hiệu quả, nhờ giảm đề kháng insulin. Bên cạnh đó, việc tập luyện hợp lý cũng có thể khiến người bệnh đái tháo đường kiểm soát được cân nặng, làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng trên tim, thần kinh…
Hạn chế hoặc ngưng uống rượu: Sử dụng một lượng rượu nho vừa phải, có thể giúp phấn chấn tinh thần, đồng thời tốt cho tim mạch. Nhưng rượu nếu sử dụng nhiều, có thể khiến đường huyết tăng vọt. Mặt khác, rượu rất dễ gây tương tác với rất nhiều loại thuốc hạ đường huyết, thuốc tim mạch, hạ mỡ máu… làm giảm tác dụng của thuốc. Chính vì những lý do này mà tốt nhất người bệnh tiểu đường nên giảm, hoặc ngưng sử dụng rượu.
Định kỳ 2 – 3 tháng / lần nên đến bệnh viện kiểm tra lại đường huyết, HbA1c để đánh giá sơ bộ kết quả điều trị.
Những thông tin trên www.thaoduocvugia.vn chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Bài viết này nhằm chia sẻ những thông tin về các kiến thức bổ ích về sức khỏe. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là các tư vấn y tế, vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng.